Đàm Phán Lương: 7 Điều Bạn Cần Lưu Ý Để Có Được Mức Lương Như Mong Đợi

Bạn không biết nên đưa ra mức lương như thế nào trong buổi phỏng vấn?

Hoặc đến các kỳ đánh giá lương, bạn vì ngại ngùng mà bỏ lỡ để rồi hối tiếc.

Nếu bạn đang nằm trong những trường hợp đó, thì đây là bài viết dành cho bạn.

Dưới đây là những chia sẻ về đàm phán lương mà bạn có thể áp dụng để có mức lương mà mình mong muốn.

Hãy cùng theo dõi tiếp nha.

More…

7 Cách Giúp Bạn Đàm Phán Lương Thành Công

1. Tìm Hiểu Trước Về Thị Trường

tìm hiểu thị trường tuyển dụng

Nghiên cứu thị trường giúp bạn biết được mức lương của mặt bằng chung cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Từ đó, bạn sẽ xác định được mức lương hợp lý khi đàm phán.

Thực tế, có nhiều bạn vì không nghiên cứu thị trường trước nên nhiều trường hợp bị hớ vì yêu cầu mức lương thấp hơn khả năng mà nhà tuyển dụng có thể trả.

Và bạn không bao giờ muốn bị rơi vào trường hợp này đúng không?

Có khá nhiều trang web tìm việc để bạn có thể tham khảo mức lương cho vị trí mà mình ứng tuyển.

Ngoài ra, bạn có thể hỏi thăm bạn bè và những người quen trong ngành để nắm thêm thông tin.

2. Biết Được Giá Trị Của Bản Thân

Biết được giá trị của bản thân

Tôi không có ý bảo bạn hãy xem bản thân như một món hàng mà định giá. Và bạn cũng đừng nên bao giờ có suy nghĩ đó nhé.

Điều tôi muốn nói ở đây là bạn phải biết được giá trị của bản thân mình.

Bạn có thể mang lại những giá trị gì cho công ty, giúp công ty phát triển ra sao. Để từ đó, bạn có được cho mình một con số cụ thể.

Nếu bạn không tự định giá được cho bản thân, người phỏng vấn sẽ nắm được quyền kiểm soát và sẽ định giá bạn. Hiển nhiên, lúc đó bạn sẽ là người bị thiệt thòi.

3. Hãy Chứng Minh Là Bạn Xứng Đáng

Chứng minh rằng bạn là người xứng đáng

Khi bạn đưa ra một con số, thì nó phải hợp lý và xứng đáng với bạn.

Rất có thể lúc ấy bạn sẽ được hỏi là: “Tại sao bạn nghĩ mức lương đó xứng đáng với bạn?”

Đây là lúc bạn cần chứng minh điều đó. Và chắc hẳn bạn đã chuẩn bị đầy đủ lý lẽ để thuyết phục rồi.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được những kết quả mà bạn đã mang lại cho công ty trước đó. Chú ý khi sử dụng số liệu, càng cụ thể càng tốt.

Đừng nói chung chung kiểu “tôi đã giúp cho hệ thống vận hành nhanh hơn rất nhiều.”

Rất nhiều là bao nhiêu? Nó rất là mơ hồ.

Câu sau sẽ hiệu quả hơn “tôi đã phối hợp với team, tăng tốc độ hệ thống lên nhanh gấp 3 lần so với trước đó”

Bên cạnh đó, hãy trình bày những kinh nghiệm khác bạn có được trong quá trình làm việc.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng đặc biệt ở bạn, những chứng chỉ mà bạn có được. Nhất là khi chúng có liên quan mật thiết với vị trí bạn ứng tuyển.

4. Luôn Chọn Mức Cao Nhất

Chọn  mức cao nhất

Khi bạn nghiên cứu thị trường, hoặc khi nhà tuyển dụng đề xuất một mức lương, nhiều trường hợp họ sẽ không đưa ra con số cụ thể mà là một khoảng nào đó.

Ví dụ $1000 – $2000.

Vậy bạn nên chọn mức nào trong khoảng đó.

Hãy cứ mạnh dạn chọn mức cao nhất, ở ví dụ trên là $2000.

Tại sao?

Bởi vì tôi thấy chả có lý do gì mà chọn thấp hơn mức cao nhất cả.

Hơn nữa, nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ đàm phá để trả mức thấp hơn bạn chọn.

Cho nên, nếu được đề nghị vậy, cứ chọn mức cao nhất. Nếu không, có thể sau này bạn sẽ phải hối tiếc.

5. Đàm Phán Thất Bại Cũng Chả Sao

Thất bại cũng không sao

Nếu bạn không có được mức lương mong muốn thì sao?

Lúc đó, hãy sẵn sàng bỏ đi mà không hối tiếc.

Nhiều bạn sẽ thỏa hiệp với mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra. Cho dù nó không đúng với kỳ vọng.

Điều đó thật không nên tí nào. Có thể thời gian đầu bạn sẽ thấy không có vấn đề gì. Nhưng về lâu về dài, bạn sẽ cảm thấy nó không xứng đáng với công sức của mình bỏ ra. Để rồi thấy hối tiếc vì lúc đó đã thỏa hiệp.

Cơ hội của bạn có rất nhiều. Bạn không chỉ phỏng vấn ở một công ty mà còn có nhiều nơi khác sẵn sàng mở cửa chào đón bạn. Hãy cứ mạnh dạn bước qua từng cánh cửa và chọn nơi phù hợp nhất cho mình.

Nhớ nhé kỹ điều đó nhé.

6. Đề Nghị Tăng Lương Không Chỉ Diễn Ra Ở Buổi Phỏng Vấn

Đề nghị tăng lương nếu cần thiết

Đàm phán lương không chỉ diễn ra ở các buổi phỏng vấn không thôi. Mà còn ở những buổi đánh giá thường niên của công ty nữa.

Thậm chí có những trường hợp ngoại lệ, bạn có thể đề nghị tăng lương nóng nếu thấy hợp lý.

Có nhiều bạn ngại việc đòi tăng lương. Không có gì phải ngại ngùng ở đây cả, những đòi hỏi của bạn là hoàn toàn xứng đáng so với những gì bạn đã đóng góp.

Nếu công ty không chủ động thì bạn nên chủ động trong việc này. Nếu cứ ngại sẽ dẫn đến hại bao tử. Vậy thôi.

7. Luyện Tập Trước Với Bạn Bè

Luyện tập trước

Bạn nên nhờ bạn của mình diễn tập trước khi buổi đàm phán lương thật sự diễn ra.

Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu nhờ người có kinh nghiệm trong việc này. Họ sẽ đóng vai nhà tuyển dụng, còn bạn sẽ là ứng viên.

Tập luyện trước sẽ giúp bạn chuẩn bị kỹ càng hơn những gì cần nói. Bên cạnh đó, bạn sẽ phát hiện được thêm một số ý hay có thể giúp ích cho bạn rất nhiều khi buổi phỏng vấn thật sự diễn ra.

Khả năng đàm phán của bạn sẽ được cái thiện nhờ những đóng góp có giá trị. Bạn sẽ không thể biết được những gì bạn làm chưa tốt nếu như không tập trước. Cải thiện những điểm yếu này, khả năng thành công ở buổi đàm phán của bạn sẽ được nâng cao hơn.

Nếu không nhờ được ai thì bạn cũng có thể luyện tập qua gương nhé. Tự mình nhận ra điểm yếu của mình và cải thiện cũng là một ý hay đó.

Tạm Kết

Ai cũng muốn có một mức lương tốt, nhưng chỉ những người đủ khả năng đàm phán mới có được cái mình mong muốn.

Quan trọng là bạn phải tự tin vào năng lực và giá trị của bản thân mình, biết mình có xứng đáng hay không.

Và đừng ngại ngùng gì khi đòi hỏi tăng lương nhé.

Bạn đã có được mức lương mà mình mong muốn chưa? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm bạn có được khi đàm phán lương ở bên dưới phần comment nhé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *