Kỹ Năng Giao Tiếp: Tầm Quan Trọng và Cách Rèn Luyện Hiệu Quả

Kỹ năng giao tiếp liệu có khó đạt được như bạn vẫn nghĩ?

Bạn có tin rằng chỉ với những cách đơn giản, bạn có thể giao tiếp với người khác một cách hiệu quả không?

Hãy hình dung nếu bạn có khả năng giao tiếp tốt, bạn sẽ đạt được những thành công nhất định trong công việc.

Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ năng này cũng như cách để cải thiện khả năng giao tiếp của bạn.

Cùng tìm hiểu bên dưới nhé.

More…

Kỹ Năng Giao Tiếp Là Gì?

Giao tiếp là một kỹ năng mà bạn không thể thiếu trong cuộc sống cũng như trong công việc ngày nay.

Nó là khả năng truyền đạt, trao đổi thông tin thông qua các phương tiện giao tiếp.

Bạn có thể thực hiện giao tiếp trực tiếp giữa người với người hoặc thông qua email, điện thoại,…

Bạn báo cáo công việc hằng ngày với sếp, đó là giao tiếp.

Bạn kể chuyện ở công ty cho bố mẹ, đó là giao tiếp.

Bạn viết email giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, đó là giao tiếp.

Hay là bạn tỏ tình với người bạn thích, đó cũng là giao tiếp.

Tuy nhiên, cũng như bao kỹ năng khác, để có thể giao tiếp hiệu quả và đạt được thành công như mong đợi, bạn cần phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài.

Tầm Quan Trọng Của Kỹ Năng Giao Tiếp

Tầm quan trọng của giao tiếp

Không ít thì nhiều, sự nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu khả năng giao tiếp của bạn không tốt.

Giao tiếp hiệu quả không chỉ giúp bạn thăng tiến mà còn giúp cho tổ chức/công ty bạn phát triển.

Những ích lợi có được nếu bạn có khả năng giao tiếp tốt:

Mở rộng các mối quan hệ

Nhiều mối quan hệ tốt sẽ giúp rất nhiều cho sự nghiệp của bạn.

Bạn sẽ có được nhiều cơ hội làm việc, thử sức bản thân ở những vị trí khác nhau nếu mạng lưới quen biết của bạn rộng lớn.

Thử hỏi làm thế nào để có nhiều mối quan hệ nếu bạn không có khả năng giao tiếp?

Điều đó hầu như là không thể.

Tránh được các hiểu lầm không đáng có

Đã bao giờ bạn nói một đằng nhưng người khác lại hiểu một nẻo chưa?

Nếu có, một phần nguyên nhân có thể là do khả năng truyền đạt của bạn chưa được rõ ràng. Điều này khiến người khác hiểu nhầm.

Dễ dàng hoà nhập với đám đông

Tại các sự kiện, các buổi hội thảo luôn có nhiều nhóm thảo luận về nhiều vấn đề.

Bạn hẳn sẽ rất muốn hoà nhập vào những nhóm ấy, nêu lên ý kiến của mình. Và nếu những điều bạn nói thật sự thú vị, họ sẽ lắng nghe, muốn bắt chuyện và muốn hỏi bạn nhiều thứ.

Tăng tỉ lệ thành công khi phỏng vấn

Nếu bạn là một nhà tuyển dụng, bạn có hứng thú khi ứng viên trả lời phỏng vấn ấp a ấp úng, không được lưu loát không?

Hẳn là không rồi.

Thế còn ứng viên ứng đáp một cách trôi chảy, hiểu đúng vấn đề thì sao?

Chắc là bạn sẽ thấy hào hứng, thú vị để mà tiếp tục cuộc trò chuyện với ứng viên đúng không.

Bạn thấy đó, với khả năng giao tiếp tốt, bạn sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng và khả năng trúng tuyển của bạn sẽ cao hơn so với người khác đấy.

Làm cho người khác thích bạn hơn

Không ai mà không bị hấp dẫn bởi một người có khả năng nói chuyện lôi cuốn đúng không?

Nhất là khi họ nói về những vấn đề bạn quan tâm, những điều mà bạn đồng cảm.

Nếu bạn có khả năng đó, nhiều người sẽ rất thích nói chuyện với bạn, nghe bạn nói và bạn sẽ dễ hấp dẫn người khác hơn đấy.

Như Thế Nào Là Giao Tiếp Hiệu Quả?

Chúng ta đã biết được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp. Nhưng làm thế nào để có thể giao tiếp hiệu quả?

Một người giao tiếp hiệu quả khi họ có khả năng lắng nghe người khác nói nhưng đồng thời cũng sẽ bày tỏ ý kiến cá nhân khi cần thiết.

Như vậy, để giao tiếp hiệu quả thì nghe và nói là hai kỹ năng tối cần thiết. Bên cạnh đó, có một số kỹ năng khác cũng quan trọng không kém.

Dưới đây là một số cách rèn luyện để cải thiện khả năng giao tiếp của bạn.

7 Cách Rèn Luyện Kỹ Năng Giao Tiếp

1. Luôn lắng nghe để thấu hiểu

Học cách lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật.

Khi bạn chăm chú lắng nghe người khác nói, họ sẽ có cảm giác được tôn trọng. Điều này sẽ làm họ cảm thấy bạn hiểu những gì họ nói. Qua đó, họ sẽ muốn nói nhiều hơn để truyền tải những gì họ nghĩ.

Tuy nhiên, lắng nghe ở đây không phải là bạn nghe một cách thụ động. Bạn cần phải xử lý những thông tin mà bạn tiếp nhận được.

Vì sao?

Vì bạn cần phải hiểu những gì mà đối phương muốn nói. Hẳn bạn sẽ không muốn đối phương không hiểu những gì mà mình muốn truyền đạt đúng không nào?

Vậy xử lý những thông tin ấy như thế nào?

Bạn nên tập trung lắng nghe những gì mà đối phương đang nói. Hãy biểu hiện điều đó qua ánh mắt, cử chỉ hoặc những cái gật đầu đồng ý.

Hãy nhắc lại lời đối phương nói nếu bạn không nghe rõ.

Nếu có điều gì không hiểu, bạn có thể hỏi lại để họ giải thích.

Thậm chí, nếu bạn không đồng ý với ý kiến của họ thì có sẵn sàng phản biện với ý kiến của mình.

Điều đó sẽ giúp cho cuộc nói chuyện trở nên hào hứng và thú vị.

2. Chủ động làm quen với người lạ khi có cơ hội

Chủ động làm quen người lạ

Trong quá khứ, hẳn đã có nhiều lần bạn muốn bắt chuyện làm quen với một ai đó nhưng lại thôi vì không đủ can đảm.

Nhưng chắc là bạn không muốn điều đó cứ tiếp tục tái diễn đúng không nào?

Chính vì thế, bắt đầu từ hôm nay, ngay khi có cơ hội, hãy chủ động bắt chuyện với một ai đó mà bạn muốn.

Bạn cần tạo ra một cuộc nói chuyện một cách tự nhiên, tránh gò bó.

Ví dụ, nếu đang ở trên đường, bạn có thể hỏi đường đến một nơi nào đó. Nếu ở công sở, bạn hãy hỏi về công việc, những điều mà bạn chưa biết,…

Cứ như vậy, bạn ngày sẽ tự tin hơn về khả năng giao tiếp của mình.

Tham khảo thêm: Cách Giao Tiếp Với Người Lạ.

3. Mạnh dạn nói ra suy nghĩ của bản thân

Nói ra suy nghĩ của bản thân

Các cuộc họp, các buổi brainstorming,… là những cơ hội để bạn phát biểu ý kiến của mình.

Nhưng, không ít lần bạn lại ngại ngùng, im lặng mặc dù có ý tưởng.

Vì sao?

Các bạn sợ người khác sẽ phán xét suy nghĩ của mình, sợ bị cười vì ý tưởng không giống ai,…

Và cứ như thế, ý tưởng của bạn vẫn chỉ là ý tưởng và nằm im trong đầu bạn.

Đã đến lúc bạn cần nghĩ khác đi, một cách tích cực.

Hãy dũng cảm nói ra ý kiến của mình, mọi ý tưởng đều sẽ được ghi nhận

Biết đâu đấy, ý tưởng của bạn sẽ giúp giải quyết một vấn đề nào đó thì sao.

4. Đọc thật nhiều để mở rộng vốn từ

Đọc nhiều sách

Hãy tưởng tượng bạn đang trong một buổi trò chuyện, tranh luận với bạn bè về một vấn đề nào đó.

Trong đầu bạn chợt loé lên một suy nghĩ, một ý kiến có thể dùng để biện luận. Nhưng bạn lại không biết dùng từ gì để diễn tả lại suy nghĩ đó.

Lý do là vì bạn đang thiếu vốn từ.

Sẽ thật tuyệt vời nếu vốn từ bạn phong phú và có thể diễn đạt mọi suy nghĩ của bạn phải không?

Đó là lý do bạn cần phải đọc nhiều.

Hãy chọn cho mình những quyển sách thuộc chủ đề mà bạn yêu thích.

Hoặc những trang web, những blog có chứa đựng những thông tin hữu ích.

Bằng việc đọc chúng mỗi ngày, vốn từ của bạn sẽ cải thiện đáng kể đấy.

5. Bổ sung cảm xúc bằng cử chỉ, điệu bộ cơ thể

Giao tiếp không chỉ là lời nói mà còn bao gồm các cử chỉ phi ngôn ngữ. Chúng là một phần không thể thiếu khi chúng ta giao tiếp.

Việc kết hợp lời nói với điệu bộ của tay, nét mặt,… sẽ giúp bạn không chỉ truyền đạt thông tin mà còn cảm xúc tới người nghe. Điều này góp phần giúp người nghe tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ nhất.

Chính vì vậy bạn không được bỏ qua các yếu tố này trong các cuộc nói chuyện.

6. Luyện tập diễn đạt một cách trôi chảy

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn không muốn giao tiếp với người khác. Một trong số đó phải nói đến là bạn ngại vì bạn diễn đạt không trôi chảy, hay bị vấp chỗ này chỗ nọ.

Khuyết điểm này có thể được cải thiện miễn bạn luyện tập nghiêm túc.

Vậy luyện tập như thế nào?

Một trong những cách hiệu quả mà bạn có thể làm đó là sử dụng Youtube.

Bạn hãy lên Youtube và tìm một video bài nói mà bạn thích.

Tiếp đó, bạn hãy xem qua video một lần, để ý cách diễn giả thuyết trình, cả lời nói lẫn cử chỉ.

Sau cùng, hãy xem lại video, nhưng lần này bạn hãy xem kỹ. Cứ sau vài giây hoặc khi diễn giả kết thúc một câu nói bạn hãy tạm dừng video và bắt chước nói lại lời của diễn giả cho đến khi bạn diễn đạt một cách rành mạch.

Bạn hãy làm như thế cho đến khi kết thúc video.

Hãy luyện tập việc này một cách thường xuyên, bạn sẽ bất ngờ với kết quả đạt được đấy.

7. Tránh nói dài dòng, không trọng tâm

Nói dai nói dài thành nói dại.

Khi bạn muốn người khác nắm được vấn đề mà bạn đang truyền tải, hãy nói rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể.

Việc dùng những từ ngữ hoa mỹ, nói lan man không những khiến người nghe khó nắm bắt vấn đề mà đến một lúc nào đó bạn cũng không biết mình đang nói cái gì.

Tạm Kết

Bạn đã hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, bạn cũng biết được cách để cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Với khả năng giao tiếp tốt, bạn rất dễ đạt được những thành công mà bạn không ngờ tới.

Giờ thì hãy cùng nhau luyện tập bằng việc áp dụng những cách ở trên nhé. Bạn sẽ bất ngờ với kết quả đạt được đấy.

Nếu bạn có điểm muốn bổ sung, hãy comment phía dưới cho tôi biết với nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *