Bạn cảm thấy thế nào khi mình đang nói thì bỗng dưng bị người khác cướp lời?
Sẽ thật khó chịu, không thoải mái, cảm thấy không được tôn trọng và đôi khi là cả sự tức giận.
Đổi lại nếu bạn ngắt lời người khác khi họ đang nói thì sao?
Họ cũng sẽ có cảm giác tương tự.
Bạn không muốn như thế chút nào đúng không?
Và đó là lý do vì sao bạn nên trở thành một người biết lắng nghe.
Vậy làm thế nào để biết lắng nghe hơn đây.
Hãy đọc tiếp để có câu trả lời nhé.
More…
Làm Thế Nào Để Biết Lắng Nghe Hơn?
1. Biết Cách Tương Tác Bằng Ánh Mắt
Khi nói chuyện với một người nào đó, bạn không nên liên tục đảo mắt nhìn xung quanh. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng bạn đang không tập trung vào những gì họ đang nói.
Cho nên bạn cần biết sử dụng ánh mắt của mình để gây được thiện cảm cho người nói.
Cách đơn giản là hãy nhìn vào mắt của người đang nói chuyện với bạn. Như thế, bạn sẽ cho họ thấy là mình đang chăm chú lắng nghe câu chuyện của họ. Và vì bạn tập trung nên bạn cũng sẽ tiếp thu được nhiều thông tin hơn từ những gì họ nói.
2. Khi Cần Nghe Thì Chỉ Việc Nghe Thôi
Có lần khi tôi đang thuyết trình, có một bạn cứ giơ tay muốn hỏi khi tôi còn chưa kết thúc hết câu.
Thật ra tôi khá khó chịu khi bị như vậy. Nhưng vì lịch sự, tôi cũng sẵn lòng đáp lại câu hỏi của cậu ta tuy trong lòng chẳng thoái mái mấy.
Và bạn chắc cũng sẽ không vui vẻ gì nếu ở trong trường hợp đó.
Khi người khác đang nói, hãy để cho họ nói hết ý định của mình. Đừng bao giờ ngắt lời của họ. Bạn không muốn trở thành người bất lịch sự đúng không?
Nếu có gì muốn nói, hãy chờ cho họ nói xong. Lúc này, bạn có thể trình bày ý kiến của mình mà không sợ ai nói gì.
Hãy biết lắng nghe và nói khi cần thiết.
3. Hiểu Rằng Nếu Bạn Muốn Người Khác Nghe Bạn, Trước Hết Bạn Cần Nghe Họ Trước
Ai cũng muốn được chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân mình với mọi người.
Bạn sợ rằng những ý kiến hay ho của mình sẽ không được truyền tải nếu chỉ biết lắng nghe thôi.
Thực tế, nếu bạn là một người biết lắng nghe, thì người khác cũng sẽ dễ dàng lắng nghe bạn hơn. Cuộc hội thoại như thế sẽ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Bởi vì, khi bạn chăm chú vào lời người khác nói, bạn sẽ hiểu rõ được ý của họ hơn. Từ đó, bạn sẽ có những phản hồi hợp lý dựa trên những gì họ nói. Bạn cũng sẽ nhận lại được điều tương tự khi tới lượt bạn nói.
4. Đừng Lúc Nào Cũng Chăm Chú Vào Điện Thoại
Tại một quán nước nọ, chàng trai thì đang hào hứng với câu chuyện của mình, còn cô gái thì cứ 2, 3 phút lại lôi chiếc điện thoại yêu dấu ra nhìn vào màn hình.
Cuối cùng chàng trai phải chủ động kết thúc buổi hẹn hò vì thấy không thoải mái.
Bạn đã từng rơi vào trường hợp như thế chưa?
Khi nói chuyện với người khác mà bạn quá chú ý vào chiếc điện thoại của mình, bạn sẽ bỏ lỡ những thông tin quan trọng.
Hơn nữa, người nói sẽ có cảm giác không được tôn trọng. Họ sẽ nghĩ bạn là người không biết lắng nghe. Có khi họ sẽ cho bạn vào blacklist trong các cuộc gặp mặt sau này.
Bởi thế, hãy tránh xa chiếc điện thoại của mình khi đang trò chuyện cùng người khác nhé.
5. Nếu Có Gì Muốn Biết, Hãy Hỏi, Đừng Đoán
Bạn không phải là giáo sư X trong X-Men, đừng cố gắng đọc suy nghĩ của người khác làm gì.
Đó là một việc khó nhằn nếu không nói là bất khả thi.
Tuy nhiên, chúng ta hay có xu hướng suy đoán ý nghĩ của người khác khi trò chuyện. Và rồi chúng ta giao tiếp dựa trên những suy đoán ấy.
Các suy đoán ấy thường không chuẩn xác, và bạn sẽ bị mắc sai lầm khi sử dụng những thông tin đó.
Vì thế, thay vì cố gắng đọc ý nghĩ của người khác, khi có gì thắc mắc thì cứ hỏi trực tiếp đối phương, đừng màu mè làm gì.
6. Tóm Tắt Những Gì Bạn Nghe Được
Để hiểu được cặn kẽ những gì đối phương muốn truyền đạt, bạn cần phải biết cách tóm tắt điều họ nói.
Khi bạn tóm tắt, đối phương sẽ biết được mức độ thấu hiểu của bạn như thế nào. Dựa vào đó, họ sẽ sửa lại những gì bạn hiểu sai.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cho họ thấy được góc nhìn của bạn. Bạn sẽ đưa ra được những suy nghĩ, những câu hỏi tốt hơn dựa vào những gì bạn tóm tắt được.
Tham khảo thêm: Học Cách Tóm Tắt Với Kỹ Năng Ghi Chép
7. Làm Sạch Tâm Trí
Đã bao giờ bạn bước vào một cuộc trò chuyện nhưng trong đầu vẫn còn nghĩ đến những chuyện không liên quan khác.
Ví dụ đang trong một cuộc họp về chiến lược quảng cáo sản phẩm mới mà bạn toàn nghĩ về chuyến đi chơi sắp tới.
Hoặc đang thảo luận với bạn bề về một cuốn sách hay thì bạn lại nghĩ tới chuyện… sáng mai nên ăn gì.
Cứ như vậy bạn sẽ khó mà tập trung vào câu chuyện giữa bạn và đối phương hiện tại. Bạn sẽ bỏ sót một số thông tin, bạn sẽ hỏi lại nhiều lần. Như thế thật tốn thời gian.
Cho nên trước khi trò chuyện, hãy tạm thời quên hết những điều không liên quan, giữ cho đầu óc thật sạch sẽ để tiếp thu tốt hơn nhé.
Tham khảo thêm: Tìm Kiếm Sự Bình Yên Trong Tâm Hồn
8. Hiểu Rõ Khả Năng Tiếp Thu Của Mình
Khi cuộc trò chuyện kéo dài, sẽ có lúc quá nhiều thông tin sẽ khiến bạn bị quá tải. Đó là khi bạn tiếp thu không kịp những gì người khác nói.
Bạn biết đó là giới hạn của mình. Và bạn cần thư giãn một tí để hồi phục lại.
Khi đó, hãy nói cho đối phương biết và các bạn sẽ tiếp tục sau vài phút. Hãy trung thực như vậy còn hơn là giả vờ bạn nắm được hết.
Tham khảo thêm: Kỹ Năng Giao Tiếp: Nghệ Thuật Để Thành Công Trong Công Việc Và Cuộc Sống
9. Chia Sẻ Quan Điểm Của Bản Thân
Sẽ có lúc bạn sẽ được hỏi về quan điểm cá nhân, những lời khuyên cho một tình huống nào đó.
Khi đó, hãy chia sẻ những kinh nghiệm của bạn trong tình huống tương tự. Vì bạn đã trải qua rồi, hãy nói cho đối phương biết cái gì hiệu quả với bạn, cái nào không.
Những kinh nghiệm, lời khuyên cá nhân như thế rất có giá trị vì đó là sự từng trải.
Tóm Lại
Khi là một người biết lắng nghe, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác nhiều hơn.
Quan trọng hơn là bạn sẽ nắm rõ hơn các thông tin trong lúc giao tiếp, hiểu được cặn kẽ những gì người nói muốn truyền đạt.
Bạn có phải là người biết lắng nghe không? Hãy chia sẻ những lợi ích mà bạn nhận được khi là một người biết lắng nghe nhé.