Mục Tiêu Nghề Nghiệp: Bí Mật Giúp CV Của Bạn Ghi Điểm Với Nhà Tuyển Dụng

Bạn đã đậu vào trường đại học mà mình hằng mong ước, hoặc thậm chí hiện giờ bạn đã tốt nghiệp, nhưng bạn vẫn chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Thật khó để xác định mục tiêu nghề nghiệp của đời mình đúng không?

Để tôi nói bạn nghe, tuy khó nhưng không phải là không thể.

Điều bạn cần làm là phải kiên định với việc mình làm và phải có kế hoạch cụ thể.

Cùng tìm hiểu về mục tiêu nghề nghiệp và cách để xác định mục tiêu cho chính bạn nhé.

More…

Mục Tiêu Nghề Nghiệp Là Gì?

Mục tiêu nghề nghiệp, tiếng Anh gọi là Career Objective, hiểu một cách đơn giản thì là một công việc hoặc một vị trí mà bạn đang nhắm đến.

Ngoài ra, bạn cũng có thể hiểu sâu xa hơn đó là một định hướng, một kết hoạch mà bạn thiết kế cho con đường sự nghiệp phía trước của mình.

Thông thường, mục tiêu nghề nghiệp sẽ được hỏi trong các buổi phỏng vấn hoặc là một mục mà bạn phải ghi vào trong CV (Curriculum Vitae, hiểu nôm na là hồ sơ xin việc).

Mục đích của việc nêu ra mục tiêu nghề nghiệp là để nhà tuyển dụng nắm rõ hơn về định hướng của bạn. Từ đó, họ sẽ nhìn nhận thái độ của bạn với công việc và quyết định liệu có nên cho bạn một cơ hội hay không.

Thật ra, không phải chờ đến khi phỏng vấn bạn mới có mục tiêu nghề nghiệp của mình. Mà đây là điều mà bạn phải nhớ nằm lòng để nhắc nhở bản thân luôn phấn đấu cho mục tiêu đó.

Những Điều Cần Lưu Ý Khi Viết Mục Tiêu Nghề Nghiệp

Nguyên tắc viết mục tiêu nghề nghiệp

Nhà tuyển dụng sẽ dựa một phần vào mục tiêu nghề nghiệp để quyết định xem có tuyển bạn hay không.

Vì thế, khi viết hoặc trả lời phần này, có những nguyên tắc mà bạn cần phải nắm:

1. Ngắn Gọn, Súc Tích

Nói dai, nói dài thành nói dại.

Không ai muốn phải đọc một bản mục tiêu dài dòng, cả bạn cũng vậy.

Vì thế, hãy trả lời ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Thông thường, 100 – 150 chữ là hợp lý

2. Mục Tiêu Phải Cụ Thể

Bạn cần ghi rõ kỳ vọng của bạn là được làm ở bộ phận, vị trí và nguyện vọng công việc như thế nào. Tránh nói chung chung, không rõ ràng.

3. Cần Có Điểm Chung Với Công Ty

Khi viết mục tiêu, bạn cần lưu ý là nên có điểm chung với mục tiêu của công ty.

Bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ đóng góp như thế nào cho công ty với mục tiêu như thế này.

Còn gì tuyệt vời hơn nếu những điều bạn đang phấn đấu cũng là cái mà công ty đang hướng đến đúng không.

4. Nên Có Mục Tiêu Ngắn Hạn Và Dài Hạn

Ngắn hạn là những mục tiêu trong vòng 3 – 5 năm tới, còn dài hạn là những gì bạn hướng đến từ 5 năm trở đi.

Bạn có thể xác định mục tiêu ngắn hạn bằng cách dựa vào những yêu cầu trong mô tả công việc.

Ở mô tả công việc, thường nhà tuyển dụng sẽ ghi rõ yêu cầu là cần gì ở bạn. Bám vào đó, bạn sẽ đưa ra những gì bạn có thể đóng góp cho công ty.

Đối với mục tiêu dài hạn, bạn cần thật sự nghiêm túc khi trả lời. Vì mục tiêu dài hạn sẽ ảnh hưởng lớn tới con đường sự nghiệp của bạn sau này.

Từ mục tiêu dài hạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá về tầm nhìn của bạn, liệu định hướng của bạn có phù hợp với công ty hay không.

Làm Thế Nào Để Xác Định Mục Tiêu Nghề Nghiệp?

Xác định mục tiêu nghề nghiệp

Quả thực, để xác định được mục tiêu nghề nghiệp là một việc không dễ dàng gì.

Đây là quyết định có ảnh hưởng tới cả con đường sự nghiệp của bạn ở phía trước.

Nhiều khi bạn đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp trong quá khứ rồi nhưng đến hiện tại lại cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều khi bạn chưa biết điều gì thực sự phù hợp với mình.

Để xác định được mục tiêu nghề nghiệp, đầu tiên bạn cần biết bạn hợp với việc gì.

Đó là công việc mà bạn thật sự thích và đam mê, phù hợp với định hướng phát triển và tất nhiên bạn có thể kiếm tiền từ công việc đó.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để xác định được công việc phù hợp với bản thân thì không đơn giản chút nào.

Có một số câu hỏi mà bạn cần phải trả lời như:

  • Tôi có thấy vui khi làm việc này không?
  • Liệu tôi có thể làm việc này trong một thời gian dài không?
  • Công việc này sẽ đem tới cho tôi những cơ hội gì?
  • Mức lương của công việc này có khiến tôi hài lòng không?

Và cuối cùng bạn cần phải hành động để nhanh chóng tiến đến mục tiêu của mình.

Mọi mục tiêu chỉ là viển vông nếu bạn không có kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Các Ví Dụ Về Mục Tiêu Nghề Nghiệp Có Thể Tham Khảo

“Tôi có một niềm đam mê mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Trong tương lai, tôi muốn trở thành một chuyên gia về solution architect. Tôi rất mong muốn làm việc với team architect của công ty để cùng nhau đưa ra các giải pháp về thiết kế kiến trúc cho hệ thống”.

“Tôi mong muốn trở thành một chuyên gia về marketing trong một doanh nghiệp với những nhiệm vụ mang tính thử thách cao. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho tôi được đóng góp công sức của mình vào sự tăng trưởng của công ty”.

“Trở thành một Product Owner tại công ty là mong muốn của tôi. Tôi muốn góp sức để tạo ra những tính năng hữu ích, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng”.

Tạm Kết

Bạn đã có mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân chưa?

Nếu chưa, hãy tiếp tục tìm kiếm đi nhé. Bởi vì như đã nói, việc xác định mục tiêu nghề nghiệp cho cuộc đời không dễ dàng gì.

Nếu bạn đã có mục tiêu rồi thì mục tiêu đó là gì, bạn làm như thế nào để xác định được nó? Nếu được, hãy chia sẻ kinh nghiệm ở phần thảo luận bên dưới cho tôi biết với nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *