Cách Rèn Luyện Trí Nhớ: Làm Thế Nào Để Nhớ Lâu?

Có phải bạn đang gặp rắc rối với trí nhớ của mình không?

Bạn cần một câu trả lời trong một kỳ thi quan trọng, nhưng bạn không thể nào nhớ ra được dù bạn đã đọc qua rồi.

Hay trả lời phỏng vấn một cách ấp úng vì không nhớ chính xác thông tin mà bạn đã từng biết.

Hãy yên tâm, vì bạn có thể áp dụng các cách rèn luyện trí nhớ trong bài viết này để cải thiện trí nhớ của mình.

Khi đó, bạn có thể nhớ thông tin rất lâu và có thể hồi tưởng lại ngay nếu cần thiết.

More…

Trí Nhớ Là Gì?

Trí nhớ là một quá trình tiếp nhận, lưu trữ và gợi lại thông tin.

Việc tiếp nhận và lưu trữ diễn ra khá dễ dàng. Điều khó khăn mà hầu hết chúng ta gặp phải đó là gợi lại những thông tin đã ghi nhớ.

Nó không đơn giản như việc cắm USB vào máy tính và truy xuất là xong. Bạn cần phải biết cách để có thể hồi tưởng lại thông tin mà bạn đã nhớ.

Tại Sao Cần Phải Rèn Luyện Trí Nhớ?

Bạn đã bao giờ bước ra khỏi nhà mà quên ví tiền chưa?

Bạn định quay vào lấy nhưng lại phát hiện ra mình cũng quên luôn cả chùm chìa khóa và cửa lại khóa trong.

Thế là bạn phải mượn nhờ điện thoại một ai đó để gọi thợ sửa khóa đến phá khóa.

Bạn tốn tiền chỉ vì quên chìa khóa.

Hay bị người yêu giận cả tháng chỉ vì quên sinh nhật của họ.

Bạn thấy không, bạn có thể bị mất tiền và mất luôn cả tình cảm chỉ vì không nhớ những thứ cần phải nhớ.

Đó là một trong những lý do tại sao bạn cần phải cải thiện trí nhớ đấy.

Những Thói Quen Tốt Cho Trí Nhớ

Trước khi đi đến các phương pháp rèn luyện trí nhớ, chúng ta hãy tìm hiểu những thói quen giúp ích cho não bộ nhé:

1. Đọc Sách Thường Xuyên

Đọc sách thường xuyên

Đọc sách giúp tăng kiến thức và cải thiện trí nhớ.

Có rất nhiều điều thú vị trong một quyển sách. Đó có thể là một câu chuyện kỳ thú, một nhân vật đầy cảm hứng hay những kiến thức vô giá.

Để nhớ được những thông tin ấy, não bộ của bạn buộc làm việc. Như thế, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

2. Ngủ Nghỉ Điều Độ

Ngủ nghỉ điều độ

Con người cũng như máy móc, đều cần phải nghỉ ngơi sau một quá trình hoạt động.

Nghỉ ngơi sẽ giúp hồi phục năng lượng, tăng sự tỉnh táo và nâng cao hiệu quả làm việc.

Bạn có làm văn phòng không?

Bạn có ngủ trưa chứ?

Đa số các bạn làm văn phòng của tôi đều xem nhẹ việc ngủ trưa.

Buổi trưa, sau một buối sáng hoạt động trí óc cật lực, đáng lẽ ra cần nghỉ ngơi để não bộ hồi phục thì học lại chơi game.

Một nghiên cứu cho thấy bạn cần ngủ trưa từ 15 – 30 phút để các tế bào hồi phục, giảm căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái, củng cố trí nhớ để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo.

3. Ăn Uống Hợp Lý

Hãy ăn nhiều rau xanh vì chúng giúp kích thích các tế bào não hoạt động hiệu quả.

Bên cạch đó, sử dụng các đồ uống như cà phê, rượu vang, trà xanh,… cũng vô cùng có ích cho não bộ của bạn. Những thức uống này sẽ giúp gợi lại và lưu giữ thông tin.

Nhưng bạn đừng lạm dụng nhé, sẽ gây phản tác dụng đấy.

4. Tích Cực Luyện Tập Thể Dục Thể Thao

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao

Bạn hãy tự mình làm một thử nghiệm nho nhỏ như sau nhé:

Một buổi sáng hãy ngủ nướng đến 7-8h rồi đến công ty đi làm.

Và ngày hôm sau hãy đặt báo thức và cố dậy vào lúc 5h (đừng lười mà tắt báo thức rồi ngủ tiếp nhé) và tập thể dục.

Bạn thấy tinh thần của mình trong 2 buổi này như thế nào? Buổi nào bạn cảm thấy ít mệt mỏi, tràn trề năng lượng hơn.

Có thể bạn sẽ thấy 2 buổi mệt mỏi như nhau. Nhưng đó chỉ là vì bạn mới bắt đầu dậy sớm.

Nếu bạn duy trì việc dậy sớm và tập thể dục trong thời gian dài, tôi cá là tinh thần bạn sẽ luôn sảng khoái hơn so với việc ngủ nướng.

Một nghiên cứu trong 6 tuần của đại học Texas ở Mỹ cũng chỉ ra rằng nhóm người thường xuyên vận động sẽ có tinh thần, trí nhớ tốt hơn so với nhóm còn lại ít vận động.

Do đó, hãy dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể dục thể thao. Chúng rất tốt cho thể chất cũng như tinh thần của bạn.

Các Cách Rèn Luyện Trí Nhớ Hiệu Quả Bạn Nên Biết

Nếu bạn cho rằng những người có trí nhớ tốt là nhờ bẩm sinh thì có thể bạn đúng.

Nhưng nếu bạn vịn vào cớ đó mà cho rằng những ai sinh ra không có trí nhớ tốt thì mãi mãi sẽ là như vậy thì bạn đã lầm.

Trí nhớ cũng có thể được rèn luyện như bao kỹ năng khác. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp dưới đây nhé:

1. Biến Mọi Thứ Thành Hình Ảnh Và “Treo” Chúng Ở Một Nơi Nào Đó

Bạn đã từng nghe ai đó nói “Một bức ảnh có sức mạnh hơn vạn lời nói” chưa?

Điều đó cho thấy hình ảnh có tác động mạnh mẽ tới não bộ của chúng ta.

Đúng vậy, bạn thường có xu hướng nhớ đến những hình ảnh hơn là những con chữ đơn thuần.

Hình ảnh càng sinh động, càng đặc biệt, hài hước thì càng nhớ lâu.

Để sử dụng phương pháp này, bạn cần thực hiện hai bước:

Bước 1: Biến những thứ nhàm chán mà bộ não không muốn nhớ như tên, những con số,… thành những hình ảnh sinh động.

Bước 2: Với những hình ảnh được tạo ra từ bước 1, bạn cần tìm một nơi nào đó thật đặc biệt để “treo” chúng lên.

Ví dụ trong một bữa tiệc, bạn muốn nhớ tên những người mà bạn đã gặp thì bạn cần làm như thế nào?

Giờ giả sử bạn gặp một cô gái tên là Thanh.

Chữ Thanh khi đọc lên bạn có liên tưởng đến cái gì không? Hãy để ý âm thanh được phát ra khi bạn đọc nhé.

Nếu là tôi, tôi sẽ liên tưởng tới Quả Chanh hoặc việc Chạy Nhanh.

Vì sao tôi lại liên tưởng như vậy?

Đơn giản thôi, chúng được phát âm tựa tựa nhau với chữ Thanh vì có vần Anh.

Giờ tôi sẽ chọn Quả Chanh để làm ví dụ nhé.

Nhưng Quả Chanh thôi là chưa đủ, bạn cần làm nó trở nên đặc biệt.

Để xem nào, một Quả Chanh đang cười toe toét thì sao? Nghe cũng được đấy.

Vậy là tôi đã xong phần tạo hình ảnh, giờ sẽ tìm chỗ để treo chúng lên.

Hmm… tìm chỗ nào bây giờ nhỉ?

À, tôi sẽ tưởng tượng cô gái mà tôi vừa gặp đang đeo đôi bông tai bằng Quả Chanh, mà phải là Quả Chanh đang cười toe toét nha.

Thú vị đúng không nào?

Như thế, lần sau tôi gặp lại cô gái đó, tôi sẽ liên tưởng đến việc cô ấy đang đeo bông tai Quả Chanh và nhớ ra là cô ấy tên Thanh.

Bạn hãy thử xem. Không chỉ với tên người mà những thứ khác nữa nhé.

2. Ghi Chép Bằng Bản Đồ Tư Duy (Mind Mapping)

Phương pháp ghi chép mindmap

Bạn thường ghi chép như thế nào?

Để tôi đoán nhé: gạch đầu dòng ghi ý lớn, xuống hàng chấm một cái rồi ghi ý nhỏ hơn,…

Nếu bạn có thói quen ghi chép như vậy thì tôi nghĩ bạn nên áp dụng một cách ghi chép mới hiệu quả hơn.

Đó là sử dụng bản đồ tư duy để ghi chép.

Tại sao tôi nói nó hiệu quả hơn?

Bởi vì nó không chỉ là ghi ra những dòng chữ đơn thuần mà còn kết hợp với cả hình ảnh.

Mà như bạn biết rồi đấy, hình ảnh có tác dụng ghi nhớ tốt hơn so với chữ.

Vì thế, lần tới, nếu bạn muốn ghi chép thông tin gì thì hãy sử dụng bản đồ tư duy thử xem nhé.

Tham khảo thêm: Các Phương Pháp Ghi Chép

3. Lặp Đi Lặp Lại Điều Cần Nhớ

Một nghiên cứu khoa học cho thấy bộ não sẽ quên một lượng thông tin đáng kể sau lần tiếp xúc đầu tiên nếu như bạn không có kế hoạch ôn lại.

Đường quên lãng Ebbinghaus

Nguồn: Grow The Engineering

Như bạn thấy ở biểu đồ trên, nếu bạn không lặp lại điều cần nhớ thì cuối cùng bạn sẽ gần như là quên phần lớn thông tin mà bạn đã tiếp nhận.

Do đó, sau các buổi học hoặc họp hành gì đó, bạn phải có kế hoạch để ôn lại chúng.

Việc lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ giúp bạn ghi nhớ chính xác thông tin.

Nhưng bạn cần lưu ý là đừng chỉ lặp như một cái máy, vấn đề là bạn phải hiểu được như thế nào về thông tin đó.

4. Hiểu Rõ Nội Dung Cần Ghi Nhớ

Không biết có bao nhiêu bạn ở đây có thể nhớ những kiến thức thời đi học nhỉ?

Tôi nghĩ là không nhiều lắm.

Vì nếu giống tôi, có thể hồi đi học bạn chỉ đơn giản là học thuộc lòng những gì có trong sách giáo khoa để đối phó với các kỳ thi.

Và chỉ vì học như một con vẹt như thế, chúng ta hầu hết chả nhớ gì nhiều những kiến thức đó. Đơn giản chúng ta chỉ học thuộc lòng mà không hiểu được vấn đề.

Do đó, nếu muốn nhớ một cái gì đó lâu dài, bạn cần phải hiểu được gốc rễ của vấn đề. Bạn không cần phải học thuộc lòng 100% câu chữ. Chỉ cần hiểu được bản chất, bạn có thể diễn đạt lại được theo ý của mình.

Nhớ kỹ điều này, đừng cố nhồi nhét bằng cách học thuộc lòng như thời còn đi học.

Bạn sẽ nhớ nhanh đấy, nhưng theo thời gian bạn sẽ chẳng còn nhớ được gì nữa hết. Như thế thì thật phí phạm thời gian.

Tạm Kết

Bạn thấy đó, để có trí nhớ tốt bạn phải trải qua một quá trình tập luyện.

Ngay cả những người bạn cho là bẩm sinh đã nhớ tốt thì bạn cũng không biết được rằng họ có thể đã rèn luyện theo một cách nào đó đúng không?

Trong những cách ở trên, bạn đã áp dụng cách nào chưa? Bạn thấy hiệu quả như thế nào? Hoặc nếu có cách nào hay hơn hãy cùng thảo luận bên dưới nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *