Muốn Làm Một Cái Gì Đó Mới Nhưng Lại Sợ Hãi? 8 Bước Sau Sẽ Giúp Bạn Bắt Đầu

Hầu hết chúng ta đều sợ hãi khi bắt đầu làm một điều gì đó mới.

Chúng ta lo sợ sẽ thất bại.

Nhưng bạn biết không, nếu không làm thì 100% là bạn thất bại rồi. Nếu bắt tay vào hành động, tỉ lệ thành công sẽ xuất hiện.

Hãy tưởng tượng khi bạn thành công, bạn sẽ đạt được điều gì? Bạn sẽ có một cuộc sống tự do bạn hằng mong ước, bạn sẽ được thoải mái đi đây đi đó hay đơn giản là có thể sống với niềm đam mê của mình.

Điều đó thật tuyệt vời đúng không?

Và dưới đây là cách để bạn bắt đầu làm một cái gì đó mới mẻ mà không phải lo sợ gì:

More…

Các Bước Để Bắt Đầu Làm Một Điều Gì Đó Mới

1. Hãy Chọn Thứ Mà Bạn Thật Sự Thích

Chọn sở thích

Lần cuối cùng bạn làm thứ mình thật sự thích là khi nào?

Liệu trước giờ việc bạn làm là điều bạn muốn hay đó chỉ là để thỏa lòng bố mẹ và chạy theo các tiêu chí thành công của xã hội đề ra?

Một trong những lý do khiến bạn không thể cố gắng lâu dài với công việc hiện tại chính là vì bạn không thực sự đặt hết trái tim của mình vào nó. Bạn chỉ làm nó chỉ vì gia đình bạn muốn thế. Bạn ngày sẽ càng mệt mỏi vì động lực ngày càng mai một. Những mục tiêu vì thế mà cứ bị trì hoãn.

Trước khi quá muộn, bạn hãy lắng nghe theo trái tim của mình ít nhất một lần. Sống theo cách mà bạn vẫn thường hay mơ ước. Đặt ra những mục tiêu mà bạn thực sự muốn hoàn thành thay vì những mục tiêu người khác đặt ra cho bạn.

Được làm việc mình thích, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Tiến tới mục tiêu mà bạn đề ra, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Cuộc đời quá ngắn ngủi để đi xây dựng ước mơ cho người khác. Hãy xây dựng ước mơ cho chính bản thân mình, rồi bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

2. Nghiên Cứu Nhu Cầu Của Việc Bạn Muốn Làm

Nghiên cứu thị trường

Cho dù bạn làm điều bạn thực sự muốn, theo đam mê hay gì đi chăng nữa, thì bạn cũng cần phải thực tế.

Nếu như việc bạn muốn làm xã hội không có nhu cầu thì cũng vô ích.

Khi nhiều người có nhu cầu, đó cũng là một nguồn lực để công việc của bạn có thể phát triển lâu dài. Bạn không muốn tạo ra một thứ mà không có ai sử dụng đúng không nào?

Dó đó, hãy xác định xem nhu cầu thị trường có đủ lớn, có đáng để bạn bỏ công sức ra mà thực hiện không nhé.

3. Chuẩn Bị Kiến Thức

Bắt đầu đọc sách

Nếu tôi nhớ không lầm thì đầu năm 2017 là lúc thị trường tiền điện tử bùng nổ.

Nó trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Lúc ấy, đi đâu cũng nghe tới bitcoin. Ai mà không biết thì có thể bị xem là lỗi thời.

Nhận thấy đây là một cơ hội để kiếm tiền, tôi lao vào đầu tư một cách mù quáng. Và như một quy luật, vì không chuẩn bị kiến thức kỹ càng, tôi đã thua lỗ không ít.

Một lời khuyên chân thành dành cho bạn đó là:

Đừng lao vào những thứ mà mình không thực sự hiểu biết.

Khi đó, bạn sẽ làm việc hoàn toàn dựa vào cảm tính, không theo một nguyên tắc nào. Những việc như thế đều mang tính chất hên xui và phần lớn đều gây ra hậu quả tiêu cực.

Cũng giống như việc đi du lịch. Muốn chuyến đi trở nên trọn vẹn bạn cần phải tìm hiểu địa điểm mà mình muốn đi.

Khi bắt đầu một điều gì đó mới cũng vậy. Bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Hãy đọc sách, tra cứu google và hỏi những người có kinh nghiệm đi trước.

Có như thế bạn mới hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất và xác suất thành công của bạn sẽ cao hơn.

4. Xây Dựng Một Kế Hoạch Và Kiên Trì Theo Đuổi Theo Kế Hoạch Đó

Lên kế hoạch tương lai

Đừng làm việc mà không có kế hoạch.

Cũng giống như một bài văn, trước khi viết bài bạn phải lên một dàn ý chi tiết cho nó. Trường hợp không có dàn ý, sẽ có những lúc bạn phải dừng lại vì cạn ý tưởng, không biết viết gì tiếp theo. Như thế thật tốn thời gian.

Một kế hoạch sẽ giúp bạn bước đi đúng hướng. Bạn sẽ không phải dừng lại ở ngã ba đường và hỏi nên chọn hướng nào đây. Các quyết định sẽ được đưa ra nhanh chóng vì mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn rồi.

Bạn sẽ hạn chế được những lần trì hoãn. Nếu bạn lên kế hoạch kỹ càng, sẽ có những deadline và những mục tiêu cho mỗi giai đoạn. Bạn sẽ hiểu được rằng trì hoãn sẽ mang lại những hậu quả như thế nào và bạn sẽ không để điều đó xảy ra.

Đừng chỉ viết ra kế hoạch rồi để nó mốc meo trên giấy. Bạn cần kiên trì theo đuổi những gì bạn đã vạch ra. Tất nhiên khó khăn thì sẽ luôn luôn tồn tại. Nhưng đừng vì chút khó khăn mà chán nản, bỏ cuộc. Bởi vì chỉ có bạn mới biết được những thành quả mà bạn xứng đáng được hưởng trong tương lai.

5. Sẵn Sàng Tinh Thần

Chuẩn bị tinh thần

Giờ thì mọi thứ gần như đã xong rồi. Tuy vậy, bạn có thể sẽ còn lo sợ. Bạn lo lắng không biết liệu có thành công hay không, lỡ thất bại rồi thì sao?

Bạn đang suy nghĩ quá nhiều cho những điều chưa biết trước. Đó là tâm trạng rất dễ xảy ra khi bạn làm một điều gì đó mới?

Trong cuốn Quẳng gánh lo đi mà sống có một phương phát rất hiệu quả mà tôi đã áp dụng để vượt qua những nỗi lo lắng.

Phương pháp đó là gì vậy?

Đó là mỗi khi lo lắng, hãy tự hỏi và trả lời hai câu hỏi sau: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho bạn là gì? Nếu nó xảy ra, bạn sẽ làm gì để cải thiện nó?

Bạn hiểu ý tôi chứ?

Khi bạn đã xác định được điều tồi tệ nhất có thể xảy ra và hướng giải quyết chúng thì chẳng còn gì để mà lo nghĩ nữa.

Chẳng hạn khi tôi nghỉ việc để đi kinh doanh. Điều tệ nhất xảy ra đó là kinh doanh thất bại, tôi mất hết vốn liếng. Nhưng thế thì sao chứ? Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ tạm dừng công việc kinh doanh và đi làm lại. Bởi tôi tin, với kỹ năng chuyên môn của tôi thì tôi không lo sợ thất nghiệp. Và tôi có thể kiếm lại vốn để bắt đầu lại đam mê của mình.

Trên con đường chinh phục ước mơ của riêng mình. Bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đôi lúc, chúng sẽ làm bạn chán nản, suy sụp tinh thần. Nhưng chả sao cả. Hãy tin vào những gì mình chọn. Khi điều tệ nhất xảy ra thì bạn vẫn có thể bắt đầu lại từ đầu kia mà.

Xem thêm: Cách Để Không Suy Nghĩ Quá Nhiều

6. Tiến Từng Bước Nhỏ, Chậm Mà Chắc

Tiến từng bước một

Một sai lầm thường thấy mà bạn dễ mắc phải đó là nôn nóng thành công nhanh. Điều này dễ làm bạn chán nản vì làm đã lâu mà không thấy kết quả.

Không có thành công nào là qua đêm cả. Những thành công bền vững đòi hỏi bạn phải đầu tư công sức rất nhiều. Bạn nên nhớ rằng cái gì nhanh thì thường không bền vững. Đừng vì dục tốc mà bất đạt.

Hãy chia nhỏ từng mục tiêu cho từng giai đoạn. Đừng đặt những mục tiêu quá lớn khi mới bắt đầu. Những mục tiêu lớn như thế sẽ cần rất nhiều thời gian, khi bạn không hoàn thành thì rất dễ xuống tinh thần. Mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn dễ hoàn thành hơn và tạo động lực cho các mục tiêu kế tiếp. Tích tiểu thành đại, rồi bạn sẽ đạt được mục tiêu lớn thôi.

7. Tìm Kiếm Sự Trợ Giúp

Xây dựng các mối quan hệ

Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Mục đích cuối cùng của bạn vẫn là đi xa nhất có thể.

Sẽ thật tốt nếu có ai đó đồng hành cùng bạn trên chặng đường đầy gian nan này.

Họ sẽ cùng chia sẻ gian khổ. Mỗi khi khó khăn, có người cùng giải quyết vẫn tốt hơn là giải quyết một mình đúng không?

Hơn nữa, bạn và họ có thể cùng động viên lẫn nhau. Mất động lực là một điều dễ xảy ra khi làm một mình. Tất nhiên bạn vẫn có thể tự mình vượt qua. Nhưng sẽ thật tuyệt vời nếu có ai đó kề bên.

8. Bắt Tay Vào Hành Động Thôi

Bắt tay vào hành động

​Khi bạn bắt đầu hành động thì coi như là bạn đã đạt được một thành công nho nhỏ rồi.

Hầu hết người ta sẽ chỉ ngồi mơ mộng. Họ mơ được cái này, được cái kia, sống cuộc sống theo ý muốn. Thế nhưng hiếm ai bắt tay vào hành động. Họ chỉ để ước mơ của họ chỉ là mơ ước.

Khi bạn hành động, dù chỉ mới bắt đầu thôi nhưng bạn cũng đã tiến được một bước gần hơn với giấc mơ của mình rồi. Đến cuối cùng, mọi thành quả tốt đẹp sẽ đến với bạn thôi.

Mọi sự chuẩn bị sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không bắt tay vào hành động.

Tạm Kết

Bạn muốn chôn vùi thanh xuân trong một công việc tẻ nhạt hay được sống trọn vẹn với khát khao của mình?

Đa số chúng ta đều lo sợ khi bước ra khỏi vùng an toàn và làm một cái gì đó mới.

Khó khăn là điều hiển nhiên, nhưng để thành công thì trầy da tróc vảy cũng đáng.

Hãy áp dụng các bước trên mỗi khi bạn muốn thử sức ở một lĩnh vực mới nhé.

Chúc bạn thành công và cuộc sống luôn tràn đầy sắc màu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *